Kiến thức

Người dân có quyền tham gia hoạt động báo chí

Theo sự phát triển của nền kinh tế, xã hội trong nước nói riêng và hội nhập kinh tế thế giới. Những quy định của pháp luật ngày càng có những sửa đổi, quy định, thừa nhận các quyền tự do, dân chủ cho phù hợp với pháp luật quốc tế. Theo đó, quyền tự do dân chủ của công dân ngày một nâng lên, theo dự thảo Luật báo chí được đưa trình Quốc hội tháng 11/2015 có những bước tiến mới.
(PLO) – Theo Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi), công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà Nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật.
Chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật báo chí (sửa đổi) trước QH.
Trong Tờ trình về Dự thảo luật báo chí, Chính phủ khẳng định: Việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí trong thời điểm hiện nay là cần thiết để triển khai thi hành Hiến pháp 2013; Luật Báo chí cần được sửa đổi, bổ sung toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới.
So với Luật Báo chí hiện hành, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có một số nội dung mới cơ bản sau đây:
Dự thảo luật đã bổ sung một số quy định mới như:

– Công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ;

– Nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà Nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí;

– Công dân có quyền được biểu đạt thông tin; tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí:

– Tại Điều 15, theo đó giữ nguyên các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) bổ sung các nội dung bị cấm thông tin trên báo chí:

– Lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

– Thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới mà chưa được kết luận, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng;

– Thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân;

– Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em;

– Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án.

Về Liên kết trong hoạt động báo chí.

Luật Báo chí hiện hành không có quy định về liên kết nội dung. Dự thảo lần này đã bổ sung quy định về liên kết, trong đó quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định của nhà nước và kênh thời sự – chính trị – tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình.

Đặc biệt, Dự luật quy định trong việc liên kết, cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí.

Nguồn tin: baomoi.com

———————————————————-

LUẬT NAM VƯƠNG

Địa chỉ: 1163/14/5A Lê Đức Thọ, Phường 13, quận Gò Vấp, TP. HCM

Liên hệ: 08.3689.3789 – 028 999 58 789

Email: luatnamvuong@gmail.com

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, giải đáp thắc mắc của bạn.

Trân trọng.